Du lịch miền Tây rục rịch mở cửa với nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn
Lại phải chờ vaccine
Từ 0h hôm nay (31/12), TP Cần Thơ đã áp dụng các giải pháp phòng dịch theo cấp độ vừa cập nhật. Theo đó, thành phố vẫn ở cấp độ 3 nhưng đã không còn xã, phường, thị trấn là vùng đỏ, nên nhiều hoạt động đã được nới lỏng.
Trong đó, tại các nơi cộng cộng đã được phép tập trung không tập trung quá 30 người (trước đây 10 người). Ngay sau đó, các cơ sở du lịch trên địa bàn đã rục rịch chuẩn bị hoạt động trở lại.
Hoạt động vui chơi giải trí dân gian tại làng du lịch sinh thái Ông Đề lúc chưa có dịch Covid-19.
Ghi nhận tại Làng Du lịch sinh thái Ông Đề (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), nơi đây đã thông báo chính thức khai trương trở lại vào ngày mai - 1/1/2022, tức ngày đầu năm mới 2022.
Đây là khu du lịch có hệ thống trò chơi dân gian đậm chất miền Tây kết hợp hiện đại vừa mới mẻ lại vừa thân quen như: cầu nhúng, đi xe đạp qua cầu khỉ, đu dây qua mương, giữ thăng bằng trên cầu ván, tát mương bắt cá, nhảy bao bố…
Đặc biệt là phim trường Tết Ông Đề 2022, với vô số tiểu cảnh Tết Xưa, những làng nghề truyền thống, những loại bánh dân gian được đầu tư bài bản… tái hiện nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Ông Lê Hải Phúc, Giám đốc Làng Du lịch sinh thái Ông Đề, cho biết: "Mấy ngày trước, cơ sở đã cho mở cửa phim trường, nhưng do dịch bệnh phức tạp nên người dân còn hạn chế đi lại, mỗi ngày chỉ đón được 5-10 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh.
Chúng tôi kỳ vọng lượt khách sẽ tăng cao vào ngày mai (khai trương) sau thời gian dài bị dịch bệnh “đè nén”. Dù vậy, mọi thứ phải luôn đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Khách đến cổng sẽ bắt buộc phải đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang, và quét mã QR.
Các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực sẽ được bố trí giãn cách, không để tập trung quá đông người hoặc mọi người ở quá gần nhau. Đặc biệt, chúng tôi sẽ không nhận khách đến từ vùng cấp 4, tức vùng đỏ”, ông Phúc nói.
Các điểm du lịch sinh thái ở miền Tây đang là điểm đến hấp dẫn để du khách đến tham qua, chụp ảnh.
Theo ông Phúc, khi dịch Covid-19 hoành hành, đơn vị đã phải dừng hoạt động, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng trong những khoản thời gian nhất định, để chờ đợi tỉ lệ bao phủ vaccine 2 mũi cho toàn bộ người dân, nhằm ứng phó với biến thể Delta.
Đến nay, khi vaccine mũi 2 gần như đã được bao phủ thì lại xuất hiện biến thể mới Omicron, đòi hỏi người dân phải được tiêm mũi 3 để có thể chống chọi với virus; và đơn vị lại phải tiếp tục chờ bao phủ mũi 3.
Từ khó khăn trên, việc mở cửa trở lại chỉ ở mức độ cầm chừng, phù hợp với thực tiễn, chứ đơn vị chưa dám mở cửa ồ ạt, vì chỉ cần 1 sơ suất nhỏ, có thể dẫn đến thua lỗ, và không thể duy trì hoạt động.
Cần đổi mới và liên kết có chiều sâu
Tại TP Cần Thơ, có một bảo tàng mang tên “Cầm Thi”. Đây không chỉ đơn thuần là một nơi trưng bày triển lãm mà còn là một pho tư liệu về văn hóa, lịch sử Cần Thơ, gồm hàng ngàn món đồ xưa, cổ, chia thành 11 chủ đề.
Ông Nguyễn An Hà (44 tuổi, người sáng lập bảo tàng) cho biết: Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, sẽ rất khó khăn để quảng bá các sản phẩm du lịch đến với du khách.
Từ đây, chúng tôi đang liên kết với một đơn vị xây dựng một “bảo tàng 3D tour”. Du khách có thể “tham quan trên mạng” trước, để họ biết ở Cần Thơ có gì hấp dẫn, tạo sự kích thích, từ đó, chọn điểm đến cho mình thông qua các công ty lữ hành du lịch, và lên kế hoạch cho những chuyến du lịch an toàn.
Bên trong khu du lịch sinh thái Ông Đề.
Còn tại khu du lịch sinh thái cồn Sơn (quận Bình Thủy), người dân đang chỉnh trang vườn tược, cảnh quan và chỉnh chu lại sản phẩm “Cồn Sơn hồi đó” để chuẩn bị đón khách. Đây là chuỗi hoạt động trải nghiệm tìm về không gian ký ức xưa, được xây dựng theo tiêu chí 3N (nghe, ngắm và nếm).
Ðó là: nghe người dân nói về cách nuôi và gìn giữ các loại cá quý hiếm, trồng và gìn giữ những giống cây bản địa; ngắm cảnh miệt vườn với vườn cây trĩu quả, những vườn hoa rực sắc; nếm những sản phẩm ẩm thực từ trái cây, những món ăn xưa của người dân cồn Sơn.
Tại ĐBSCL, cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây gồm 7 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, du lịch cụm phía Tây ÐBSCL đón 11,8 triệu lượt khách, chỉ đạt 53,6% so với năm 2020; tổng doanh thu đạt gần 9.371 tỉ đồng, đạt 48,4% so với năm trước.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, cho biết, trong năm 2022, Cụm phía Tây dự kiến tổ chức một số hoạt động, như: Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Lễ hội Ðờn ca tài tử Quốc gia năm 2022, Lễ khánh thành Ðền Hùng, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Cantho (Cần Thơ); Lễ hội Ok-Om-Bok - Ðua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực ÐBSCL…
Sắp tới, các địa phương sẽ kết nối để hình thành tuyến du lịch đặc trưng trong vùng; tổ chức các đoàn famtrip đến khảo sát các điểm du lịch mới, tiêu biểu; phối hợp tổ chức các hoạt động liên kết, kích cầu phục hồi du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, cho rằng những chồng chéo trong quy định về việc đi lại và giao thông trong thời gian qua đã làm cho du khách e ngại. Có những nơi mở cửa nhưng lại không có nguồn khách.
Do đó, việc liên kết giữa các địa phương nên đi vào chiều sâu để hỗ trợ nhau xây dựng sản phẩm mới, riêng biệt và hình thành chuỗi sản phẩm mang tính đặc trưng…
Nhận xét
Đăng nhận xét